Lên ngôi vua Otto I của Thánh chế La Mã

Đăng quang

Mặt bên của Ngai vàng của Charlemagne tại Nhà thờ Aachen, nơi Otto lên ngôi Quân vương Đức năm 936

Heinrich đã chết do đột quỵ não vào ngày 2 tháng 7 năm 936 tại cung điện KaiserpfalzMemleben và được chôn cất tại Tu viện Quedlinburg.[13] Vào thời điểm ông qua đời, tất cả các bộ lạc Đức đã hợp nhất trong một vương quốc duy nhất. Ở tuổi gần 24, Otto kế thừa vương vị Công tước xứ SachsenQuốc vương Đức của cha mình. Lễ đăng quang của ông được tổ chức vào ngày 7 tháng 8 năm 936 tại thủ đô Aachen cũ của vương triều Charlemagne, nơi Otto được xức dầu và trao vương miện bởi Hildebert, Tổng Giám mục Mainz.[14] Mặc dù là một người Sachen, Otto xuất hiện trong lễ đăng quang trong trang phục của người Frank để chứng minh chủ quyền của mình đối với công quốc Lotharingia và là người kế vị thực sự của Charlemagne, người thừa kế cuối cùng ở Đông Francia đã qua đời vào năm 911.[15]

Theo Widukind xứ Corvey, dưới trướng Otto có bốn công tước khác trong vương quốc (từ các công quốc Franken, Schwaben, Bayern và Lorraine) đóng vai trò là người hầu cận của ông tại lễ đăng quang: Arnulf I xứ Bayernnguyên soái (quản lý chuồng ngựa) Herman I, Công tước Schwaben với tư cách là người hầu rượu, Eberhard xứ Franken với tư cách là người đại diện đức vua (hoặc người quản gia) và Gilbert xứ Lorrainethị thần.[lower-alpha 1][16] Bằng cách thực hiện việc phụng sự theo truyền thống này, các công tước báo hiệu sự hợp tác với vị vua mới và thể hiện rõ sự phục tùng đối với ông.[15]

Mặc dù đã chuyển giao quyền lực diễn ra một cách êm thấm, nội bộ hoàng tộc không hòa thuận trong triều đại đầu tiên của ông. Heinrich, em trai của Otto cũng muốn giành ngai vàng trái với mong muốn của cha mình. Theo tiểu sử của Mathilde, mẹ của Otto, Vita Mathildis reginae posterior, bà đã ưu ái Heinrich làm vua: trái ngược với Otto, Heinrich đã "sinh ra trong màu tím" (tím là màu đại diện cho hoàng tộc) trong triều đại của cha mình và còn mang tên của cha.[17]

Otto cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều quý tộc địa phương. Năm 936, Otto bổ nhiệm Hermann Billung làm Phiên hầu tước (tương đương bá tước) và trao cho ông huyện biên giới ở phía bắc sông Elbe, giữa sông Limes SaxoniaePeene. Với tư cách là thống lĩnh quân đội, Hermann đã nhận một phần cống phẩm từ những người Slav ở Polabia sinh sống trong khu vực và thường chiến đấu chống lại các bộ lạc người Tây SlavLutici, ObotritesWagri. Vụ bổ nhiệm Hermann của Otto đã chọc giận anh trai của ông, bá tước Wichmann cha. Là người lớn hơn và giàu có hơn, Wichmann tin rằng yêu sách của Otto là vượt quyền mình. Ngoài ra, Wichmann còn có quan hệ hôn nhân với Vương thái hậu Mathilde.[18] Năm 937, Otto tiếp tục xúc phạm giới quý tộc thông qua việc bổ nhiệm Gero để kế vị anh trai Siegfried làm Bá tước và Phiên hầu tước của một khu vực biên giới rộng lớn xung quanh Merseburg, nơi giáp giới với lãnh thổ người Wend ở hạ lưu sông Saale. Quyết định của ông làm người em trai cùng cha khác mẹ và anh họ của Siegfried là Thankmar thất vọng. Thankmar cảm thấy rằng đúng lý ra mình mới là người nên được bổ nhiệm.[19]

Cuộc nổi loạn của các công quốc

Trung Âu, 919-1125. Vương quốc Đức bao gồm các công quốc Sachsen (màu vàng), Franken (màu xanh), Bayern (màu xanh lá cây), Schwaben (màu cam) và Lorraine (màu hồng bên trái). Nhiều công tước nổi dậy chống lại sự cai trị của Otto năm 937 và một lần nữa vào năm 939.

Năm 937, Arnulf, Công tước xứ Bayern mất và được con trai là Eberhard kế vị. Công tước mới nhanh chóng xung đột với Otto khi Eberhard phản đối quyền cai trị của Otto đối với Bayern theo hòa ước giữa vua Heinrich và Arnulf. Từ chối công nhận quyền lực tối cao của Otto, Eberhard nổi dậy chống lại nhà vua. Trong hai chiến dịch vào mùa xuân và mùa thu năm 938, Otto đã đánh bại và đày Eberhard khỏi vương quốc và tước bỏ danh hiệu của ông. Otto đã bổ nhiệm chú của Eberhard là Berthold, một bá tước ở huyện biên giới Kärnten làm tân Công tước xứ Bayern với điều kiện Berthold phải công nhận Otto là người duy nhất có quyền bổ nhiệm các giám mục và quản lý lãnh thổ hoàng gia trong công quốc.[20]

Đồng thời, Otto phải giải quyết một cuộc tranh chấp giữa Bruning, một quý tộc Sachsen và Công tước Eberhard của Franken, anh trai của cựu vương Conrad I của Đức. Sau một người Sachsen lên nắm quyền lực, Bruning, một lãnh chúa địa phương có lãnh thổ ở vùng biên giới giữa Franken và Sachsen đã từ chối tuyên thệ quy phục với bất kỳ người cai trị nào không phải người Sachsen. Eberhard tấn công lâu đài Helmern của Bruning gần Peckelsheim, giết chết tất cả dân ở đó và đốt cháy nó. Nhà vua đã triệu tập các phe thù địch tới triều đình tại Magdeburg, nơi Eberhard được lệnh phải trả tiền phạt và các tướng dưới quyền của ông ta đã bị kết án phải mang chó chết ở nơi công cộng. Đó được coi là một hình phạt đặc biệt đáng xấu hổ.[21]

Bực tức vì hành động của Otto, Eberhard đã cùng với người em cùng cha khác mẹ của Otto là Thankmar, Bá tước Wichmann và Đức Tổng Giám mục Friedrich ở Mainz và nổi dậy chống lại nhà vua vào năm 938.[22] Công tước Herman I xứ Schwaben, một trong những cố vấn thân cận nhất của Otto đã cảnh báo ông về cuộc nổi loạn và nhà vua đã nhanh chóng dập tắt cuộc nổi dậy. Doesmann sớm hòa giải với Otto và gia nhập quân đội của nhà vua chống lại các cựu đồng minh của mình. Otto bao vây Thankmar tại Eresburg và giết chết ông ta tại bàn thờ ở Nhà thờ Thánh Peter. Sau thất bại, Eberhard và Friedrich tìm cách hòa giải với nhà vua. Otto đã ân xá cả hai sau một cuộc lưu đày ngắn ngủi ở Hildesheim và khôi phục lại chức tước cho họ.[23]

Chiến tranh ở Pháp

Ngay sau khi hòa giải, Eberhard đã lên kế hoạch cho một cuộc nổi loạn thứ hai chống lại Otto. Ông hứa sẽ giúp em trai Heinrich của Otto giành lấy ngai vàng và chiêu dụ Gilbert, Công tước Lorraine tham gia cuộc nổi loạn. Gilbert đã kết hôn với em gái của Otto, Gerberga xứ Sachsen, nhưng lại thề trung thành với vua Louis IV của Tây Francia. Otto đày Heinrich khỏi Đông Francia và ông trốn đến nương nhờ triều đình của vua Louis. Nhà vua là người Tây Francia, luôn hy vọng giành lại quyền thống trị ở Lorraine một lần nữa nên đã bắt tay với Heinrich và Gilbert. Đáp lại, Otto đã liên minh với đối thủ chính của Louis, Hugh Cao quý, Bá tước Paris và chồng của chị gái Otto là Hedwig xứ Sachsen.[24] Heinrich đã chiếm được Merseburg và dự định hội quân với Gilbert ở Lorraine nhưng Otto đã bao vây họ tại Chevremont gần Liège. Trước khi đánh bại được họ, Otto buộc phải bỏ việc vây hãm và chống lại Louis, người đã chiếm giữ Verdun. Otto sau đó đã đẩy Louis trở về thủ đô của mình tại Laon.

Dù Otto giành được một số chiến thắng ban đầu nhưng ông không thể bắt được những kẻ âm mưu và chấm dứt cuộc nổi loạn. Đức Tổng Giám mục Friedrich đã tìm cách hòa giải giữa các bên nhưng Otto đã từ chối lời đề nghị này. Dưới sự chỉ đạo của Otto, Công tước Herman xứ Schwaben đã lãnh đạo một đội quân chống lại những kẻ âm mưu vào Franken và Lorraine. Otto đã tuyển mộ một số đồng minh từ công quốc Alsace, những người đã vượt qua sông Rhein và làm Eberhard và Gilbert bị bất ngờ tại trận Andernach vào ngày 2 tháng 10 năm 939. Quân của Otto đã chiến thắng áp đảo: Eberhard bị giết tại trận, Gilbert bị chết đuối trên sông Rhein trong khi cố gắng trốn thoát. Còn lại một mình đối đầu với anh trai, Heinrich chịu quy phục Otto và cuộc nổi loạn chấm dứt. Khi Eberhard chết, Otto nắm quyền cai trị trực tiếp đối với công quốc Franken và giải thể nó thành các quận nhỏ hơn và giao cho các giám mục chịu trách nhiệm trực tiếp. Cùng năm đó, Otto đã làm hòa với Louis IV, nhờ đó Louis chấp nhận bá quyền của Otto đối với Lorraine. Đổi lại, Otto rút quân và sắp xếp cho em gái Gerberga (góa phụ của Gilbert) kết hôn với Louis IV.

Năm 940, Otto và Heinrich được hòa giải thông qua những nỗ lực của mẹ. Heinrich trở về Đông Francia và Otto bổ nhiệm ông ta làm công tước Lorraine mới kế tục Gilbert. Heinrich vẫn chưa từ bỏ tham vọng ngai vàng Đức và khởi xướng một âm mưu khác chống lại anh trai mình. Với sự hỗ trợ của Đức Tổng Giám mục Friedrich ở Mainz, Heinrich đã lên kế hoạch ám sát Otto vào Ngày lễ Phục sinh năm 941 tại Tu viện Quedlinburg. Otto đã phát hiện ra âm mưu và bắt những kẻ chủ mưu bỏ tù tại Ingelheim. Nhà vua sau đó đã thả và ân xá cả hai người sau khi họ làm lễ sám hối công khai vào ngày Giáng sinh cùng năm đó.

Củng cố quyền lực

Từ năm 941 dến 951, quyền lực trong nước của Otto không bị thách thức. Thông qua sự phụ thuộc của các công tước dưới quyền, Otto đã khẳng định quyền lực của mình khi có thể đưa ra quyết định mà không cần sự đồng ý trước của họ. Ông đã cố tình phớt lờ các yêu sách và đẳng cấp của giới quý tộc, những kẻ vốn chỉ mong muốn kế thừa địa vị bằng cách tự bổ nhiệm các cá nhân mà ông ta chọn vào triều đình. Việc trọng dụng người tài bất kể dòng dõi là con đường dẫn đến đỉnh cao quyền lực của ông. Mẹ của ông - Mathilde không tán thành chính sách này và bị các cố vấn hoàng gia của Otto cáo buộc làm suy yếu quyền lực của ông. Sau khi bị Otto đày đi một thời gian ngắn ở Westphalen tại Enger vào năm 947, Mathilde đã được đưa trở về cung đình nhờ sự khuyên nhủ của vợ ông là Edgitha.

Giới quý tộc khó chịu với Otto vì các quốc vương trước đây chưa từng theo kế vị ngai vàng. Truyền thống quy định rằng tất cả con trai của cựu vương đều được nhận một phần của vương quốc, kế hoạch kế vị của Heinrich đã đặt Otto lên vị trí đứng đầu một vương quốc thống nhất đầu tiên không theo truyền thống. Phong cách độc đoán của Otto cũng trái ngược hoàn toàn với cha ông. Heinrich đã cố tình bỏ tục xức dầu của Giáo hội khi đăng quang như là một biểu tượng của việc được bầu bởi người dân và cai trị vương quốc của ông trên cơ sở "các hiệp ước hữu nghị" (tiếng Latin: amellyia). Heinrich coi vương quốc là một liên minh của các công quốc và tự coi mình là người đứng đầu những người bình đẳng. Thay vì tìm cách cai quản vương quốc thông qua các đại diện hoàng gia như Charlemagne đã làm, Heinrich cho phép các công tước tự kiểm soát lãnh thổ của mình miễn là địa vị lãnh đạo của ông được công nhận. Otto một mặt chấp nhận lễ xức dầu của Giáo hội, mặt khác coi vương quốc của mình như một thể chế quân chủ phong kiến và ông là người nắm giữ "quyền lực thần thánh" để cai trị nó. Ông trị vì mà không quan tâm đến địa vị của các giới quý tộc ở các vương quốc.

Chính sách mới này đảm bảo vị thế của Otto là chủ nhân không thể bị thách thức trong vương quốc. Các thành viên trong gia tộc ông và các quý tộc khác đã nổi dậy chống lại Otto đã buộc phải nhận tội một cách công khai và đầu hàng vô điều kiện và hy vọng sự tha thứ từ vua của họ. Đối với các quý tộc và các quan chức cấp cao khác, hình phạt của Otto thường nhẹ và người bị phạt cũng thường được khôi phục lại vị trí trong triều đình sau đó. Em trai Heinrich của ông đã nổi loạn hai lần và được ân xá hai lần sau khi ông ta đầu hàng. Ông thậm chí còn được bổ nhiệm làm Công tước Lorraine và sau đó là Công tước Bayern. Thường dân nổi loạn bị đối xử khắc nghiệt hơn nhiều; Otto thường xử tử họ.[25]

Otto tiếp tục thưởng cho các chư hầu trung thành vì sự phục vụ của họ trong suốt thời kỳ ông làm vua. Mặc dù sự bổ nhiệm vẫn có và được tổ chức theo ý của ông, chúng ngày càng đan xen với chính trị triều đại. Heinrich cha ông thường dựa vào "hiệp ước hữu nghị" trong khi Otto thường dựa vào mối quan hệ gia đình. Otto từ chối chấp nhận những người cai trị vô danh như ông. Dưới thời Otto, sự hợp nhất của các chư hầu quan trọng đã diễn ra thông qua các liên kết hôn nhân. Vua Louis IV của Pháp đã kết hôn với chị gái của Otto là Gerberga vào năm 939 và Liudolf, con trai của Otto đã kết hôn với Ida, con gái của Hermann I, Công tước Schwaben vào năm 947. Nhà cầm quyền trước đây gắn chặt dòng họ hoàng gia Tây Francia với Đông Francia và sau này bảo đảm sự kế vị công tước Schwaben của con trai ông vì Hermann không có con trai. Kế hoạch của Otto đã thành hiện thực vào năm 950 khi Liudolf trở thành công tước Schwaben và vào năm 954, cháu trai của Otto Lothaire của Pháp trở thành vua ở Pháp.

Năm 944, Otto bổ nhiệm Conrad Đỏ làm công tước Lorraine và đưa ông vào đại gia tộc của mình thông qua cuộc hôn nhân với con gái của Otto Liutgard vào năm 947. Là một người Frank nhà Salier khi sinh ra, Conrad là cháu trai của cựu vương Conrad I của Đức. Sau cái chết của chú Otto là Berthold, Công tước xứ Bayern vào năm 947, Otto đã thỏa mãn tham vọng của em trai Heinrich thông qua cuộc hôn nhân với Judith, Nữ công tước Bayern, con gái của Arnulf và bổ nhiệm ông làm công tước Bayern năm 948. Sự sắp xếp này cuối cùng đã giúp hai anh em làm hòa vì Heinrich sau đó đã từ bỏ yêu sách ngai vàng. Thông qua mối quan hệ gia đình với công tước, Otto đã củng cố thành công quyền lực của mình và sự gắn kết chung của vương quốc.[26]

Vào ngày 29 tháng 1 năm 946, Edgitha đột ngột qua đời ở tuổi 35 và Otto chôn cất vợ tại Nhà thờ chính toà Magdeburg.[27] Cuộc hôn nhân đã kéo dài được mười sáu năm và sinh ra hai đứa con; Sau cái chết của Edgitha, Otto bắt đầu chuẩn bị người kế vị. Giống như cha ông, Otto có ý định chuyển quyền cai trị vương quốc cho con trai Liudolf khi ông qua đời. Otto đã gọi tất cả các nhân vật hàng đầu của vương quốc và họ đã tuyên thệ trung thành với Liudolf và hứa sẽ công nhận quyền thừa kế ngai vàng của Liudolf.[28]

Đối ngoại

Pháp

Các vị vua Tây Francia đã suy giảm quyền lực đáng kể sau những cuộc đấu tranh nội bộ với tầng lớp quý tộc nhưng vẫn khẳng định quyền lực của mình đối với công quốc Lorraine, một lãnh thổ cũng được Đông Francia tuyên bố chủ quyền. Vua Đức được hỗ trợ bởi đối thủ chính trong nước của Louis IV, Hugh Đại đế. Nỗ lực thứ hai của Louis IV để trị vì Lorraine vào năm 940 dựa trên tuyên bố khẳng định ông là công tước Lorraine chính đáng do cuộc hôn nhân của ông với Gerberga xứ Sachsen, em gái của Otto và là góa phụ của Gilbert, một công tước Lorraine. Otto đã không công nhận yêu sách của Louis IV và chọn em trai Heinrich làm công tước. Trong những năm tiếp theo, cả hai bên đều cố gắng tăng cường ảnh hưởng ở Lorraine nhưng công quốc vẫn là một phần trong vương quốc của Otto.

Bất chấp sự cạnh tranh của họ, Louis IV và Hugh đều gắn bó với gia đình Otto thông qua các mối quan hệ hôn nhân. Otto đã chủ động hòa giải vào năm 942 và tuyên bố hòa giải chính thức giữa hai người. Như một phần của thỏa thuận, Hugh đã thực hiện một hành động quy thuận Louis IV và đổi lại Louis IV là từ bỏ mọi yêu sách đối với Lorraine. Sau một thời gian hòa bình ngắn ngủi, vương quốc Tây Francia rơi vào một cuộc khủng hoảng khác vào năm 946. Người Norman bắt Louis IV giao cho Hugh, người đã thả Vua với điều kiện đầu hàng pháo đài Laon. Trước sự thúc giục của chị gái Gerberga, Otto đã xâm lược Pháp thay mặt Louis IV nhưng quân đội của ông không đủ mạnh để chiếm các thành phố quan trọng như Laon, Reims và Paris. Sau ba tháng, Otto cuối cùng đã buộc phải bỏ bao vây mà không thể đánh bại Hugh nhưng đã tìm cách đẩy Hugh xứ Vermandois khỏi địa vị Tổng giám mục Reims, khôi phục quyền lực của Artald xứ Reims.[29]

Để giải quyết vấn đề kiểm soát Tổng giáo phận Reims, Otto đã triệu tập một Công nghị tại Ingelheim vào ngày 7 tháng 6 năm 948.[30] Công nghị có sự tham gia của hơn 30 giám mục bao gồm tất cả các tổng giám mục của Đức[31] - một minh chứng cho vị thế mạnh mẽ của Otto ở Đông và Tây Francia. Thượng hội đồng xác nhận việc bổ nhiệm Artald của Otto làm Tổng giám mục Reims và Hugh được khuyến khích tôn trọng chính quyền hoàng gia của vua mình. Nhưng phải đến năm 950, các chư hầu lớn mới chấp nhận Louis IV làm vua; các đối thủ không được hòa giải hoàn toàn cho đến tháng 3 năm 953.[32]

Bourgogne

Otto tiếp tục mối quan hệ hòa hảo giữa Đức và Vương quốc Bourgogne do cha ông khởi xướng. Vua Rudolf II của Bourgogne trước đây đã kết hôn với Bertha xứ Schwaben, con gái của một trong những trưởng cố vấn của Heinrich vào năm 922. Bourgogne ban đầu là một phần của Trung Francia, là trung tâm của đế chế Charlemagne trước khi tách ra theo Hiệp ước Verdun năm 843. Vào ngày 11 tháng 7 năm 937, Rudolf II qua đời và Hugh xứ Provence, đối thủ chính của Quốc vương Ý và Rudolf II lên ngôi vương chủ của Bourgogne. Otto đã can thiệp vào sự kế vị và với sự hỗ trợ của mình, con trai của Rudolf II là Conrad I của Bourgogne đã bảo vệ được ngai vàng. Bourgogne đã trở thành một phần không thể tách rời nhưng độc lập về hình thức và là một phần trong vòng ảnh hưởng của Otto và giữ hòa hiếu với Đức trong triều đại của Otto.[33]

Bohemia

Boleslav I, Công tước xứ Bohemia lên ngôi vào năm 935. Năm sau, sau cái chết của cha Otto, vua Heinrich der Finkler, Boleslav đã ngừng cống nạp cho Vương quốc Đức (Đông Francia), vi phạm hiệp ước hòa bình giữa Heinrich với anh trai và người tiền nhiệm của Boleslav, Václav I. Boleslav đã tấn công một đồng minh của người Sachsen ở tây bắc Bohemia năm 936 và đánh bại hai đội quân của Otto từ ThuringiaMerseburg. Sau cuộc xâm lược quy mô lớn ban đầu này của Bohemia, chiến sự liên tiếp xảy ra, chủ yếu dưới hình thức tấn công biên giới. Cuộc chiến kéo dài đến năm 950, khi Otto bao vây lâu đài của con trai Boleslav. Boleslav quyết định ký hiệp ước hòa bình và hứa sẽ tiếp tục cống nạp.[34] Boleslav trở thành đồng minh của Otto và quân đội của ông ta đã giúp quân đội Đức chống lại mối đe dọa chung từ người Magyar tại sông Lech năm 955.[35] Sau đó, ông tiếp tục phá tan một cuộc nổi dậy của hai công tước người Slav (StoigniewNako) ở Mecklenburg, có lẽ để bảo đảm sự bành trướng đất đai của người Bohemia ở phía đông.[36][37]

Đế quốc Byzantine

Trong triều đại đầu tiên của mình, Otto đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Hoàng đế Constantine VII Porphyrogenitus, người trị vì Đế quốc Byzantine từ năm 913 cho đến khi ông qua đời năm 959; Đông Francia và Byzantine đã gửi một số đại sứ cho nhau. Giám mục Thietmar xứ Merseburg, một người ghi chép sử biên niên thời trung cổ ghi lại như sau: "Sau thất bại của Gilbert năm 939, những đại sứ từ Hy Lạp [người Byzantine] đã hai lần mang quà của hoàng đế của họ gửi biếu cho nhà vua của chúng tôi, cả hai quần chủ đều giữ hòa hiếu với nhau."[38] Trong thời gian này, Otto lần đầu tiên cố gắng liên kết với Đế chế phương Đông thông qua các cuộc hôn nhân.[39]

Các cuộc chiến tranh với người Slav

Khi Otto đang hoàn tất các cuộc đàn áp cuộc nổi loạn của anh trai mình vào năm 939, người Slav trên sông Elbe đã nổi dậy chống lại sự cai trị của Đức. Bị cha của Otto khuất phục vào năm 928, người Slav coi cuộc nổi loạn của Heinrich là cơ hội để giành lại độc lập.[40] Tướng dưới trướng của Otto ở phía đông Sachsen, Bá tước Gero xứ Merseburg, người bị buộc tội khuất phục những người Slav Polabia ngoại đạo. Theo Widukind, Gero đã mời khoảng ba mươi vị thủ lĩnh người Slav đến một bữa tiệc; Sau bữa tiệc, binh lính của ông đã tấn công và tàn sát những vị khách say xỉn.[41] Người Slav yêu cầu trả thù và hành quân chống lại Gero với một đội quân khổng lồ. Otto đã đồng ý một thỏa thuận đình chiến ngắn với người em trai nổi loạn Heinrich và chuyển sang hỗ trợ Gero. Sau những trận chiến ác liệt, các lực lượng hợp nhất của họ đã đẩy lùi cuộc tiến công của người Slav; Otto sau đó trở lại phía tây để khuất phục cuộc nổi loạn của người em trai.[40]

Năm 941, Gero khởi xướng một âm mưu khác để khuất phục người Slav. Ông ta đã tuyển mộ một người Slav bị giam cầm tên là Tugumir, một thủ lĩnh của Hevelli. Gero hứa sẽ hỗ trợ ông ta giành lấy ngai vàng Hevelli nếu sau này Tugumir công nhận Otto là người thừa kế của mình. Tugumir đồng ý và quay trở lại với người Slav. Vì vụ thảm sát của Gero, người Slav chỉ còn sót lại một vài thủ lĩnh và người Slav nhanh chóng tuyên bố Tugumir là vương công của họ. Khi lên ngôi, Tugumir đã sát hại đối thủ chính của mình và tuyên bố trung thành với Otto, sáp nhập lãnh thổ của mình vào vương quốc Đức. Otto đã trao cho Tugumir danh hiệu "công tước" và cho phép Tugumir cai trị thần dân của mình và chịu sự cai trị của Otto giống như một công tước Đức.[42] Sau cuộc đảo chính của Gero và Tugumir, liên mình người Slav đã tan vỡ. Để kiểm soát thành trì trọng yếu Hevelli ở Brandenburg, Gero đã tấn công và đánh bại các bộ lạc người Slav vốn đang bị chia rẽ. Otto và những người kế vị đã mở rộng sự kiểm soát của họ sang Đông Âu thông qua việc thực dân hóa bằng quân sự và thành lập các nhà thờ.[43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Otto I của Thánh chế La Mã http://www.muenzeoesterreich.at/eng/produkte/the-c... http://college.hmco.com/history/west/mosaic/chapte... http://leccos.com/index.php/clanky/boleslav-1-2 http://sbaldw.home.mindspring.com/hproject/prov/ot... http://www.numismatas.com/Forum/Pdf/David%20Ruckse... http://www.e-stredovek.cz/view.php?cisloclanku=200... http://www.deutsche-biographie.de/sfz70539.html http://www.deutsche-biographie.de/sfz70649.html http://www.deutsche-biographie.de/sfz74082.html http://www.deutsche-biographie.de/sfz74083.html